Viên Linh: Ni Sư Trí Hải và Ngọa Bệnh Ca

Người viết bài may mắn có một tập bản thảo thơ nhan đề Ngọa Bệnh Ca do Trí Hải sáng tác các tháng đầu năm 2003, khoảng 9 tháng trước khi xả thân trong một tai nạn lưu thông trên đường tự nguyện đi cứu tế xã hội, lúc từ Phan Thiết về Sài Gòn, ở thế 65 năm. Tập thơ bản thảo do ni sư Tuệ Dung dàn trang và in ra bằng máy vi tính, dày 250 trang, với non 200 bài thơ ngắn dài.


 
Ni sư Trí Hải dịch nhiều hơn sáng tác, dịch giả đúng hơn là tác giả, nhưng văn xuôi của tác giả thì cuồn cuộn như thác nước, nhất là văn kể truyện, và nhất là trong tập san văn hóa Tuệ Uyển do Ni trưởng (chữ HT Minh Châu gọi Trí Hải) sáng lập điều hành từ 1994 ở Sài Gòn, ra tới năm thứ chín thì con thiên nga đầu đàn bay về cõi Niết Bàn. Có thể nói Tuệ Uyển là tập san mà chủ nhiệm chủ bút viết từ đầu tới cuối, từ “Lời Đầu Quyển” cho tới “Kho Tàng Nguyên Thủy” (dịch kinh), “ Phật Pháp Song Ngữ” và nhất là ký sự “Những Chuyến Đi,” đều do một người dịch, giảng, và kể. Trong bài “Đàm Hoa Lạc Khứ,” Trí Hải đặc biệt viết về Huế, Huế của riêng mình, mà Huế là tất cả của Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh.

Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh, pháp hiệu Trí Hải, dòng dõi Tuy Lý Vương, sinh ngày 8 Tháng Ba, 1938 tại Vỹ Dạ, Huế, nguyên quán Gia Miêu Thanh Hóa, khi còn trong bụng mẹ đã được qui y tam bảo bởi Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, sau này là đệ nhất Tăng Thống Phật Giáo Việt Nam. Cô đậu tú tài năm 17 tuổi, tốt nghiệp sư phạm và dạy học tại trường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng. Du học Hoa kỳ, đậu cao học ngành thư viện, về nước năm 1963. Quản thủ thư viện Viện Đại Học Vạn Hạnh. Nam 1970 thọ Bồ Tát Giới tại đại trai đàn Vinh Gia, sau đó giảng dạy tại các trường cao đẳng và đại học. [*]

Trong bản thảo Ngọa Bệnh Ca, có vài chục trang Trí Hải Phùng Khánh viết cho thân quyến hay viết về bà mẹ, về người cha, các anh các chị, bằng thơ hoặc ngũ ngôn hay bảy chữ, có thể coi như phần tự truyện – chỉ khác tự truyện thông thường là văn xuôi, ở đây mối thân tình ràng buộc đó, từ lúc ấu thời tới khi tự coi mình như “một người gỗ,” nằm trên giường bệnh trước và trong đầu năm 2003 vì bệnh xương cốt trầm trọng – Trí Hải viết bằng văn vần. Nhiều chỗ, đoạn văn vần ấy trở thành một bài thơ hay.

Trí Hải có thời là quản thủ thư viện đại học Vạn Hạnh, được Hòa Thượng Viện Trưởng Thích Minh Châu gọi là Ni trưởng.

Ni trưởng trong mấy năm cuối đời bị bệnh xương cốt, phải nằm yên một chỗ, thỉnh thoảng bị giật bắn người, đau đớn khôn tả xiết. Có lúc bà nghĩ: Hay hồi trước ta đã hạ dao chặt một con cá, nên bây giờ ta bị chặt quả báo như thế này? Riết rồi, coi mình như một người gỗ, bà chấp nhận những ngày tháng nằm trên cái giường xoay như những ngày tháng bình thường:

Phải chăng cá bị chặt
Hóa thân vào trong đây
Để cho ta nếm thử
Quả báo sát sinh này?
(Hỏi cột sống, Ngọa Bẽnh Ca, 42)
Hãy biến ngay giường bệnh
Thành một chốn đạo tràng
Cho mọi người vui vẻ
Đất trời cũng ngát hương.
(Nhắn nhủ, NBC, 9)

Phùng Khánh mồ côi mẹ lúc 6 tuổi, ở với cha là ngự y trong triều vua Khải Định (trị vì 1916-1925). Gà trống nuôi con nên khi ông ngoại vào triều phải mang con gái theo, để cho rong chơi trong cung An Định, do đó được Hoàng Thái Hậu Đoan Huy dạy dỗ, tắm rửa cho, mà lúc ấy Đoan Huy còn là một cung nữ, do đó bà mẹ Phùng Khánh coi cung khuyết như nhà riêng, chạy nhảy khắp ngõ ngách trong cung. Khi ở nhà, có thày dạy riêng mà không tới trường học, vì một lần ở trường “vì biếng học,” (chữ Phùng Khánh) bị thày đánh cho một roi, nên không tới trường nữa.

Tới tuổi đôi mươi, bà mẹ được tuyển vào “làm dâu” phòng Tuy Lý Vương.

Theo Phùng Khánh, bà mẹ “suốt đời soi tâm theo sách “Minh Tâm Bửu Giám,” để vàng cho con cháu không bằng truyền lại cho chúng nếp sống theo âm đức, gìn giữ thiện tâm, việc mình làm được thì dù có quyền cũng không nên sai phái kẻ khác, thọ ơn ai không được quên, gia ơn cho người không chờ được trả. Lúc nằm trên giường bệnh, nhớ lại lời mẹ dạy, dịch giả cuốn “Tạng Thư Sống Chết” tự nhủ với nếp sống ấy, Trí Hải cho biết mình đang yên bình “trên đường về bến đỗ.” Còn người cha? Ông lúc nào cũng đọc sách văn chương kim cổ, sách tây sách tàu, giảng văn giọng sang sảng, “thân tại chốn hỏa binh và lòng Phùng tăng nơi chân không khách địa.”

Trong phần thân quyến, Phùng Khánh tả từng người, tả các anh trước rồi đến các chị, anh Minh thay cha nuôi các em, anh Đích là cuốn từ điển bách khoa cái gì cũng biết, anh Đệ hiền từ; các chị thì có Khánh Trợ, Phùng Mai, bị chị Khánh la là “dại cách chi,” bảo ngồi ngoài xe trông đồ để chị chạy vào chợ mua thêm một món cần, ra thấy mất mấy món đồ quí hỏi em thì Phùng Khánh chỉ vào trong chợ nói có một bà đến lấy đi vào trong chợ chỗ chị vào đó! Thế là bị bà chị than thở: “Đấy là kẻ ăn cắp, sao không la lên? Em quá dại cách chi!” Sau này nhắc đến, bà chị còn cười hoài, mà không trách cứ gì, chỉ thấy cô em bé khờ dại quá. Phùng Khánh cũng nhớ đến vài chuyện ăn trộm nữa, vì nhà ở gần sông, phía sau nhà có bến, nên kẻ trộm thường thừa cơ bơi thuyền qua xẹt vào lấy cái này cái kia mang xuống thuyền, mà bà chị cũng chỉ nói, “mấy thứ đó bán chẳng được bao nhiêu, chúng vơ vét càng hay, ta có dịp mua cái khác hay may đồ mới.”

Ngọa Bệnh Ca dày đến 250 trang, không rõ đã được in thành sách chưa? Đó là tập thơ làm trên giường bệnh, và rất nhiều bài nhiều đoạn nói về chuyện sinh tử. Nhân ngày kỵ giỗ Trí Hải (mất ngày 7 tháng 12 năm 2003 tại Phan Thiết) chúng ta hãy đọc một bài điển hình của người đã khuất:

Sống chết
Sống trong hơi thở vào
Chết cùng với hơi ra
Ngày đêm liên tục chuyển
Kiếp số như hằng sa
Hít vào, ta còn đó
Thở ra, đã hết ta
Ta hòa cùng với gió
Thành vũ trụ bao la
Ta như làn sóng nhỏ
Giữa đại dương cuộc đời
Sóng có khi còn mất
Biển cả không đầy với.
(NBC, trang 23)
Dec 7, 2016

[*] Trí Hải đã cho xuất bản các tác phẩm chính sau đây:

– Câu Chuyện Dòng Sông, dịch Herman Hesse, Lá Bối, 1965.
– Con Đường Thoát Khổ, dịch W. Rahula, Ban Tu Thư Vạn Hạnh ,1966.
– Huyền Trang, Nhà Chiêm Bái và Học giả, Vạn Hạnh, 1966.
– Bắt Trẻ Đồng Xanh, dịch D. Salinger, Thanh Hiên 1967, Nhã Nam 2008.
– Gandhi Tự Truyện, dịch Gandhi, Võ Tánh, 1971.
– Câu Chuyện Triết Học, dịch cùng Bửu Đích, Will Durant, Viện Đại Học Vạn Hạnh.
– Thanh Tịnh Đạo, dịch B, Buddhaghosa.
– Tư Tưởng Phật Học, dịch W. Rahula, Vạn Hạnh, 1974.
– Giải Thoát Trong Lòng Tay, Thanh Văn xuất bản.
– Đường Vào Nội Tâm, dịch, 1993.
– Tạng Thư Sống Chết, dịch The Tibetan Book of Living and Dying của S. Rinpoche, 1996.
– Tâm Bất Sinh, dịch Bankei, Hoa Đàm, 2005.


NGỌA BỆNH CA
(Tập 1)
Ghi lại những ngày nằm bệnh từ 15/03/2003 đến 15/4/2003
NGỌA BỆNH CA
Buổi sáng nghe chim hót
Buổi chiều ngắm trăng lên
Đầy vườn hoa xuân nở
Nằm bệnh tâm an nhiên.
Dìu dịu áng mây lành
Vờn sau ngọn tre xanh
Hởi thở hòa trong gió
Mong manh mà mông mênh.
Giữ thân nằm bất động
Giữ cột sống thẳng hàng
Tâm bất sinh bất động
Giữa cõi đời thênh thang.
Nằm nghe niềm tĩnh lặn
Len dần vào cõi tâm
Không sanh nên bất diệt
Mê ngộ khỏi tra tầm.
Nhờ bệnh khởi tâm lành
Nhờ bệnh ngộ vô sinh
Chỉ cần tâm không vướng
Niết bàn vượt tử sinh.
Nhờ bệnh thấy vô thường
Thấy thân như đồ gốm
An nhiên tâm nhìn ngắm
Mọi cảnh sắc phù vân.

NHẮN NHỦ
Đây bao niềm thương mến
Xin gửi đến muôn phương
Những người lâm trọng bệnh
Trên khắp nẻo đoạn trường.
Này cha anh yêu dấu
Này mẹ chị mến thương
Này em trai cháu gái
Trong thế giới mười phương.
Thân này như bọt nước
Vô thường là lẽ thường
Chấm dứt ngay vọng tưởng
Sực tỉnh cơn mộng trường.
Nếu không bệnh liệt giường
Làm sao ngộ sinh diệt
Diệt sinh từng hơi thở
Hết sinh diệt, chân thường.
Chẳng thà sống một ngày
Thấy được lẽ sinh diệt
Còn hơn sống trăm năm
Mê mẩn theo sắc trần.
Hãy để tâm vắng lặng
Theo dõi hơi ra vào
Thấm nhuần chân diệu pháp
Trong từng mỗi tế bào.
Hãy biến ngay giường bệnh
Thành một chốn đạo tràng
Cho mọi người vui vẻ
Đất trời cũng ngát hương.

CỘT SỐNG
Cột sống nền giáo lý
Là trực ngộ bất sinh
Bất sinh nên vô ngã
Vô ngã nên không sầu.
Bất sinh là tâm Phật
Ngự trị trong mỗi người
Trong sinh vật muôn loài
Trong hoa lá cây cỏ.
Khi đói biết tìm ăn
Lúc khát tìm thức uống
Cỏ cây biết vươn mình
Đến nước và ánh sáng.
Cái biết căn bản ấy
Chẳng cần gì dụng công
Hỏi hỏi hay tu hành
Ấy chính là tâm Phật.
An trú trong bất sinh
Để mọi sự vận hành
Như đông qua xuân lại
Lòng thanh thản nhẹ tênh.

TRIÊU DƯƠNG CA
Trời cao trong và xanh
Gió ban mai tốt lành
Vũ trụ như chìm đắm
Trong thiền định vô sanh.
Chim chóc đang ca múa
Mừng lễ hội bình minh
Sau lùm tre thưa thớt
Vừng dương vừa ló lên.
Thiên nhiên như vũ điệu
Như bài ca vô thanh
Tâm hòa cùng vũ trụ
An trú trong bất sanh.

KỲ QUAN
Kỳ quan của vũ trụ
Ở trong tâm mỗi người
Khi quay về nương tựa
Cái tâm Phật bản lai.
Chẳng cần chi giữ giới
Khổ hạnh với tu thiền
Chỉ cần đau một trận
Là thấy ngay hiện tiền.
Không sinh cũng không diệt
Không bệnh cũng không lành
Xưa nay Nó vẫn vậy
Trú trong lòng đảo điên.
Vì bôn ba danh lợi
Vì xuôi ngược huyên thiên
Nên ta không thấy được
Cái tâm Phật bản nhiên.
Như minh châu sáng chói
Chồng chất bụi não phiền
Chúng sinh mê tâm ấy
Uổng luân hồi liên miên.

ĐẠI THỤ
Chớp lóe tan mây ám
Trút xuống trận mưa rào
Chết cỏ cây yếu đuối
Đại thụ vẫn không sao.
Càng tăng thêm sức sống
Thêm năng lực dồi dào
Rửa sạch bao bụi bặm
Của những ngày lao đao.
Giữa bầu trời trăng sao
Tàn cây vương mạnh mẽ
Ôm vạn vật vào lòng
Như vòng tay của mẹ.

TỰ TRÀO
Một đời làm ông táo
Hai đời làm ông vua
Ngày hóa thân ba bận
Chẳng ai trú trong này.

CÚP CUA
Bác sĩ khuyên giữ thân
Nằm thẳng cột sống lưng
Để yên không cục cựa
Vẫn cúp cua vài lần.
Nhờ đức y vương Phật
Biến thân thành không thân
Con đi trong tâm niệm
Giữ cột sống pháp thân.

THÊM MỘT NGÀY
Thêm một ngày nằm bệnh
Thêm một ngày tu tâm
Niệm ơn sâu Tam bảo
Tấm lòng bao người thân.
Thêm một ngày đoàn tụ
Cùng pháp tử mến thương
Sẻ san chân diệu pháp
Vị ngọt thấm can trường.
Thêm một ngày quán niệm
Chốn sinh tử hiểm nguy
Cõi Niết bàn an lạc
Cũng trong một tâm này.
Thêm một ngày chánh niệm
An trú trong bất sinh
Cẩn thận từng cảm xúc
Từng móng ý khởi tâm.
Thêm một ngày cảm niệm
Ơn bạn lữ mười phương
Hỏi thăm và san sẻ
Ấm lòng khách tha phương.
Thêm một ngày sám hối
Lạy mười phương Như Lai
Cho con sạch tội lỗi
Từ xưa cho đến nay.
Thêm một ngày phát nguyện
Nguyện cùng tận vị lai
Luôn theo chân Phật tổ
Lợi ích cho muôn loài.

TÂM VÀ CỘT SỐNG
Tâm động cột sống động
Tâm an cột sống an
Hợp thể thân tâm này
Một kỳ quan lồng lộng.
Tâm còn vương nhị nguyên
Ta người với khổ lạc
Quá khứ với vị lai
Là tử sinh ác trược.
Tâm như như bất động
Không nghĩ chuyện đã qua
Không mong điều chưa tới
Là an trú Niết Bàn.

THUẬT ĐIỀU DƯỠNG
Pháp tử khéo chăm sóc
Thuốc thang và đỡ nâng
Vệ sinh cùng dinh dưỡng
Làm phấn chấn tinh thần.
Chế biến nhiều kỹ năng
Trong quá trình chăm sóc
Dù liệt giường mòn chiếu
Vẫn không mấy tang thương.
Thầy trò cùng chánh niệm
Khi xê dịch chuyển di
Cái xác thân nằm bệnh
Tâm chẳng chút sầu bi.

SỐNG CHẾT
Sống trong hơi thở vào
Chết cùng với hơi ra
Ngày đêm liên tục chuyển
Kiếp số như hằng sa.
Hít vào ta còn đó
Thở ra đã hết ta
Ta hòa cùng với gió
Thành vũ trụ bao la.
Ta như làn sóng nhỏ
Giữa đại dương cuộc đời
Sóng có khi còn mất
Biển cả không đầy vơi.

CHÁNH TÍN ĐẠI THỪA
Tôi có người bạn thân
Đã bao năm ân cần
Gởi tiền về giúp đỡ
Già, tàn tật, neo đơn.
Qua điện thoại đường dài
Chị nhận được hung tin
Rằng người con gái chị
Đang mang bầu song sinh.
Bào thai vừa năm tháng
Có dấu hiệu không lành
Qua siêu âm chẩn đoán
“Sinh non, trẻ dị hình”.
Nghe xong chị lặng người
Thầm khấn nguyện Phật trời
“Nếu số phần như vậy
Con xin đem về nuôi.
Ở trên thế gian này
Bao nhiêu người đau khổ
Sao con dám riêng mình
Cầu mong thoát nạn tai.”
Rồi chị bảo con gái
Hãy chuyên tâm niệm Phật
Đừng nên nghĩ ngợi gì
Chờ hoa mãn nguyệt khai.
Từ đấy chị chuyên trì
Niệm đức Phật từ bi
Quán Thế Âm bồ tát
Mà không cầu mong chi.
Sau bảy tháng hoài thai
Con chị cho ra đời
Hai hài nhi nhỏ nhắn
Xinh xắn như tiên đồng.
Kỳ diệu thay Phật pháp
Kỳ diệu thay đức tin
Không cầu mong ích kỷ
Thì kết quả tự sinh.

CUT THROUGH
Thanh bảo kiếm kim cương
Vọng tưởng chém đứt luôn
Một niệm vừa mới ló
Là dứt ngay không nương.
Cái tâm là gì nhỉ?
Không danh tướng, như gương
Sáng trong và lặng lẽ
Soi chiếu khắp mười phương.
Dưới hồ nước lặng trong
Viên minh châu lấp lánh
Đừng để sóng xao động
Mất dấu ngọc long lanh.

LÀM PHƯỚC VÀ TAI ƯƠNG
Thân bệnh nằm liệt giường
Người nghe thấy cảm thương
Hỏi thăm và an ủi
Dập dìu khách thập phương.
Kẻ lắc đầu chép miệng
Người mếu máo thở than:
“Thường làm việc phước thế
Sao gặp nhiều tai ương”.
Trả lời: “Nếu làm phước
Để khỏi gặp tai ương
Là đổi chác bán buôn
Đâu còn là việc phước”.
Lại có người vui mừng
“Đến nhiều lần không gặp
Nay nhờ cô nằm bệnh
Mới gặp được một lần”.
Tôi cũng thế người ơi
Đã nói rất nhiều lần
“Không, vô thường, vô ngã
Nay mới thấy một lần”.

NGƯỜI GỖ
Một thây chết diệu kỳ
Biết ăn và biết ngủ
Thỉnh thoảng lại biết đi
Nhưng không tư tưởng gì.
Như người gỗ ngắm hoa
Như hồ gương chiếu nguyệt
Đá núi cũng xếp hàng
Ngắm kỳ quan diễm tuyệt.
Lúc nào thưởng thức trọn
Vũ trụ nhiệm màu này
Chính lúc tâm bất động
Như thây chết biết đi.

KHI HỒN THƠ CÓ MẶT
Khi hồn thơ có mặt
Đau khổ được biến hình
Giọt nước mắt ảm đạm
Thành hạt ngọc long lanh.
Do đâu có nghệ thuật
Nếu không nhờ đau thương
Và ý thức đau thương
Kết tinh thành tuệ giác.
Tuệ giác về sự khổ
Đã siêu việt khổ đau
Phật dạ về khổ đế
Khi tâm vượt khổ sầu.

BẤT SINH CA
Tháng hai hăm mốt âm
Ngày thứ chín bệnh nằm
Đốt sống bỗng giật bắn
Phủ tạng đều rối tung.
Như cá nằm trên thớt
Giật nảy lên từng cơn
Bị chặt bằng dao lụt
Chết ngay còn tốt hơn.
Chiến tranh Mỹ-Iraq
Đang đến hồi kinh hoàng
Trong thân này cũng vậy
Như một bãi chiến trường.
Vận khí để bớt đau
Nhưng không thể hít sâu
Hơi thở vào đã ngắn
Hơi thở ra càng mau.
Lịm ngất trong cơn đau
Liền ngủ đi một giấc
Mơ thấy mình bay cao
Mấy tầng trời chất ngất.
Tỉnh dậy sảng khoái sao
Như chưa từng biết đau
Bất sinh là thế đó
Sống chết có chi nào?

GIƯỜNG XOAY CA
Khen ai khéo sáng chế
Giường cho bệnh liệt giường
Đủ tiện nghi đại tiểu
Xem sách cũng được luôn.

NƯỚC NÓNG CA
Ai đại tiểu phải nằm
Làm việc rất khó khăn
Xin bày cho cái mánh
Hãy trùm người kín bưng.
Dùng chai nước vừa nóng
Rưới dần lên chỗ kia
Vài phút sau ra được
Chẳng phải dụng công gì.

THÔNG MINH CA
Dưới thông thì trên minh
Buổi sáng sau vệ sinh
Thân tâm thật sảng khoái
Vần thơ tuôn ra nhanh.

NGỘ KHÔNG
Đã trực ngộ chân không
Thờ Thầy rất hết lòng
Sư phụ còn nhục nhãn
Ngộ Không pháp nhãn thông.
Nhận ra ngay yêu quái
Đội lốt kẻ thật thà
Mắt nhìn suốt tâm địa
Của những kẻ dối ngoa.
Trên quấy động Thiên tào
Dưới ngang tang Địa phủ
Chuyện tồi tà phụ chánh
Đâu chỉ có ngồi không?

TRÚC CA
Cách tường ngọn trúc mượt mà xanh
Mây trắng bay qua càng đẹp xinh
Trong gió đong đưa như vẫy gọi
Này đây vũ trụ xiết bao tình.

MƯA CA
Giọt mưa tí tách ngoài hiên vắng
Đều đều như thúc giục hồn ai
Chớ ham chi cảnh đời đen trắng
Còn bao vũ trụ đẹp ngất trời.

DẶN CỘT SỐNG
Làm ơn nằm yên chút
Cho ta xong bài thơ
Mày chớ có giật bắn
Khiến ta đau ngất ngư.

CỘT SỐNG TRẢ LỜI
Nếu chị giữ chánh niệm
Đừng nghĩ tơ lơ mơ
Thì dù em có giật
Chị cứ coi như pha.

HỎI CỘT SỐNG
Phải chăng cá bị chặt
Hóa thân vào trong đây
Để cho ta nếm thử
Quả báo sát sinh này?

TÁNH CẢNH
Tiếng chim kêu ríu rít
Không gian thoảng hương lài
Đốt lư trầm tinh khiết
Cúng dường chư Như Lai
Vũ trụ nhiệm màu này
Sắc, thanh, hương, vị, xúc
Cũng là chân tánh cảnh
Khi chẳng thuộc về ai.

ỐNG HÚT CA
Bình thường ghét ống hút
Uống thứ gì nốc tuột
Nay bị nằm thẳng đuột
Thương ống hút xiết bao.
Suốt ngày dùng chất lỏng
Uống thuốc chữa gẫy xương
Cả súc miệng chải răng
Toàn nhờ ơn ống hút.

DƯỢC SƯ NHƯ LAI
Đức Dược sư Như Lai
Tâm lưu ly trong suốt
Con quay về nương tựa
Người thương khắp muôn loài.
Đức Dược Sư Như Lai
Lòng từ bi bình đẳng
Con quay về nương tựa
Người cứu giúp nạn tai.
Đức Dược Sư Như Lai
Đại nguyện Ngài cao cả
Cứu chúng sinh khỏi đọa
Vào những chốn tối tăm.
Đức Dược Sư Như Lai
Đại nguyện Ngài siêu việt
Cứu chúng sinh keo kiệt
Thoát khỏi thói xan tham.
Đức Dược Sư Như Lai
Đại nguyện Ngài dũng mãnh
Cứu chúng sinh kiêu mạn
Diệt trừ thói mạn kiêu.
Đức Dược Sư Như Lai
Đại nguyện sâu thăm thẳm
Giúp kẻ phá giới cấm
Phục hồi giới sạch trong.
Đức Dược Sư Như Lai
Đại nguyện rất kiên cường
Đưa con về quê cũ
Chốn Cực Lạc thanh lương.
______________
NGỌA BỆNH CA
(Tập 2)
Ghi lại những ngày nằm bệnh từ 15/03/2003 đến 15/4/2003

ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM
Đại bi Quán Thế Âm
Thệ nguyện rất hoằng thâm
Với ngàn tay che chở
Tướng hảo trang nghiêm thân
Đại bi Quán Thế Âm
Trí tuệ Ngài quang rạng
Với ngàn mắt soi sáng
Bao thế giới tối tăm
Đại bi Quán Thế Âm
Đứng vững đầu ngọn sóng
Chữa lành bao bệnh tật
Quét sạch hết tai nàn

SỞ THÍCH
Sáng sớm thích ngồi trên bến sông
Ngắm hoa bèo tím dưới mây hồng
Một vùng hoa tím trôi trôi mãi
Lũ lượt đi về hướng biển Đông

DÒNG SÔNG
Dòng sông như dòng đời
Trôi xuôi không bến đỗ
Ngày đêm liên tục thở
Hòa nhập vào biển khơi

NGUYỆN
Nguyện cho cơn đau này
Thay thế bao đau khổ
Mà con có thể có
Trong những thời vị lai
Nguyện cho cơn đau này
Sẻ san bao thống khổ
Mà chúng sanh đang có
Trong kiếp sống đọa đày
Nguyện cho cơn đau này
Tiều trừ bao ác nghiệp
Mà con đã gây tạo
Từ xưa cho đến nay

VŨ TRỤ NẰM NGANG
Một vũ trụ nằm ngang
Một vũ trụ đa đoan
Chánh niệm từng hơi thở
Dứt suy nghĩ lan man
Từ chân tâm nhìn ngó
Thân xác như cây cỏ
Thần thức trú trong đó
Chỉ như ngọn đèn cầy
Châm tâm vô sở trụ
Ở cùng khắp mọi miền
Thần thức tùy theo nghiệp
Đổi chỗ trú liên miên.

NÓI CÙNG CÂY CỐI
Vũ trụ ngươi thẳng đứng
Vũ trụ ta nằm ngang
Ngươi cho đời bóng mát
Ta cho vần thơ thương

CHÓNG MẶT CA
Đi… chóng mặt thì đứng
Đứng… chóng mặt thì ngồi
Ngồi… chóng mặt thì nằm
Nếu nằm mà chóng mặt
Thì chỉ còn nước “thăng”

CHÂN TÂM VÀ CHÂN THỨC
Chân tâm pháp giới tánh
Như lòng mẹ bao la
Chan hòa khắp vũ trụ
Kể gì ngươi với ta
Tâm này đồng một thể
Sáng trong và lặng lẽ
Lỡ gá vào thân xác
Hóa ra thành u mê
Trở về chân tâm nọ
Khác chi về đến nhà
Mẹ cùng con gặp gỡ
Hóa thân cõi hà sa

ĐOẠN DÒNG
Đã có sinh tất phải biến thiên
Dứt dòng tư tưởng hết huyên thiên
Để lòng như cõi hư không nọ
Thanh tịnh vô vi hết não phiền

KHỔ VÀ NIẾT BÀN
Để có cơm Niết bàn
Cần gạo vô thường khổ
Và ý thức về khổ
Là củi để nấu cơm
Mồi lửa là tuệ giác
Đốt cháy củi phiền não
Nung nấu vô thường gạo
Chín thành cơm lạc thường
Nếu không có tuệ giác
Thì khổ vẫn là khổ
Nhờ chánh chân trí tuệ
Khổ thành chân Niết bàn.
(Theo kinh Đại Niết Bàn)

CHỈ VÀ QUÁN
Tịnh chỉ là tập trung
Vào một đối tượng tâm
Gạt ngoài mọi chuyện khác
Để đi đến nhất tâm
Như hồ nước lắng trong
Có thể soi thấu đáy
Tịnh chỉ cũng như vậy
Cốt để soi sáng lòng
Nếu quán mà không chỉ
Như sáng mắt u mê
Nếu chỉ mà không quán
Khác nào chân bị què
Chỉ và quán sóng đôi
Vượt đau khổ trên đời
Đình chỉ mọi dục vọng
Vô thường tuệ sáng soi.

QUẢ BÁO THIỆN ÁC
Quả bác của Ác nghiệp
Thật nặng nề lao đao
Như bò lên dốc núi
Ì ạch kéo xe sau
Quả báo của Thiện nghiệp
Như bóng đi theo hình
Tuy có mà không thực
Trăng đáy nước long lanh
Phật dùng hai ví dụ
Ẩn ý thật thâm trầm
Tuyệt đối tránh làm ác
Quả báo thiện đừng ham
Ví chiêm bao ác mộng
Cũng thực là kinh khủng
Ngủ dậy toát mồ hôi
Nhớ lại vẫn bồi hồi
Còn chiêm bao mộng đẹp
Tỉnh dậy vẫn tay không
Thì lòng càng tiếc nuối
Ngơ ngẩn thêm phí công
(Cảm tác kinh Pháp Cú)

VIỆC LÀNH QUẢ ÁC
Phật dạy có bốn việc
Tưởng lành mà thành ác
Thứ nhất là bố thí
Vì a dua người khác
Thứ hai là trì giới
Chỉ để được cúng dường
Thứ ba là đọc tụng
Chỉ để mà tranh hơn
Thứ tư là thiền định
Đệ đạt phi phi tưởng
(Theo kinh Đại Bát Niết Bàn)

HÀNH THÂM BÁT NHÃ
Kính dâng Giác linh Hòa Thượng
Nhìn bầu trời bao la
Con nhớ đến Thầy xưa
Giảng kinh Đại Bát Nhã
Nghĩa lý thật sâu xa
Cúi đầu đảnh lễ tôn kinh
Lễ chư Phật tổ chứng minh đạo tràng
Con xin ghi lại đôi hàng
Những gì nghe được vẫn hằng chưa phai
Chỗ Phật chứng vượt ngoài ngôn ngữ
Thương chúng sinh Ngài đã phát ngôn
Những từ ngữ chúng sinh dùng
Phật dùng với nghĩa khác trong thế tình
Chữ “Không” nói trong kinh Bát Nhã
Mới nghe qua thật khó hiểu tin
Thân tâm ta đấy rành rành
Phật thì lại dạy thật tình nó “Không”
Chẳng phải không bất cứ việc chi.

SẮC
Hoạt chất của sắc là gì
Chính là biến đổi và gây cản đường
Như thân thể ta thường biến đổi
Từ lúc sinh cho tới lúc già
Cuối cùng hủy hoại ra ma
Nên tính biến hoại tính chính là sắc thân
Sắc lại có tính làm chướng ngại
Choáng không gian khó giải thoát tâm
Như ta thường nổi mê lầm
Tham tài tham lợi vì mang thân này
Với Phật tuy sắc này có đấy
Cũng không vì thấy “Tánh Không”
Thân không chướng ngại được tâm
Hóa ra diệu dụng thần thông khôn lường.

THỌ
Hoạt chất thọ là thường thâu nhận
Ngọt bùi cay ấm lạnh nơi thân
Lại thêm thù hận ghét thương
Vui buồn mừng giận vấn vương nơi lòng
Thân thọ Phật cũng đồng như thế
Lại nhiều khi tinh tế gấp mười
Nhưng vì không chấp “của tôi”
Nên Ngài xa hẳn thói đời ghét thương
Gặp lúc khổ ta thường bực bội
Khi vui thì thêm nỗi đắm mê
Đấy là hoạt chất thọ kia
Chúng sinh vì nó si mê tăng cường
Với Phật, thọ dường như không có
Vì Ngài không mang nó vào tâm
Khổ vui chẳng chút động lòng
“Thọ không” nên Phật chứng thân lạc thường

TƯỞNG
Hoạt chất “Tưởng” thâu vào ngoại tướng
Tâm ghi nhiều ấn tượng sắc thanh
Như là cái máy chụp hình
Luôn luôn bận rộn không yên giây nào
Hoạt chất “tưởng” gây bao khốn khổ
Vì cảnh ngoài như gió thoảng qua
Mà tâm thì vẫn thiết tha
Ôm ghì ảnh tượng bóng ma chập chờn
Phật chẳng có tơ vương ảo tưởng
Nên với Ngài các tưởng là không
Tâm Ngài như tấm gương trong
Phản quang mọi vật nhưng không giữ gì

HÀNH
Hoạt chất “Hành uẩn” thì biên diễn
Tạo tác thêm nhiều chuyện lông bong
Sau khi tưởng đã vào tâm
Hành còn vẽ rắn thêm chân lắm điều
Hành uẩn mạnh nơi nhiều thi sĩ
Thấy vầng trăng lại nghĩ cố nhân
“Mày ai trăng mới in ngần
Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa” (1)
Với Phật, hành uẩn là không có
Vì không điều tưởng nọ tưởng kia
Các hành Ngài đã xa lìa
Hết cơn mộng mị, hết khi mơ màng
(1) Kiều

THỨC
Hoạt chất Thức là thường phân biệt
Đen trắng luôn rõ rệt phân minh
Nhưng còn tùy mỗi góc nhìn
Ở trong phân biệt khó tìm đúng sai
Nơi Phật hoạt chất này vắng bóng
Tâm Ngài luôn mở rộng từ bi
Chúng sinh còn lắm ngu si
Thức tâm cứ mãi phân chia ta người.
Tóm lại cũng đồng thời năm uẩn
Do ngộ mê nên vẫn khác xa
Khi mê năm uẩn là ta
Ngộ rồi năm uẩn không ta không người.

VUI
Vui nhất là đừng có cái tôi
Thứ nhì bỏ hết chuyện trên đời
Ba là chấm dứt tâm sinh diệt
Hơi cuối hắt ra thật tuyệt vời.

KHỔ
Khổ là cứ tiếc thương dĩ vãng
Hạnh phúc luôn chỗ nọ, thời kia
Không bao giờ ở đây, hiện tại
Bỏ mồi theo bóng thật ngu si.

BỜ KIA
Bờ kia đâu phải ở bên kia
Cùng với tử sinh chẳng có chia
Thiện ác thị phi đừng vướng bận
Thì đây sống chết đã xa lìa.

VỸ DẠ
Vỹ Dạ quê xưa đẹp tuyệt trần
Cây sung soi bóng nước trong ngần
Hoa bèo tím ngát trôi về biển
Lau trắng trên bờ vẫy tiễn chân
Có những đêm hè trăng rực sáng
Chị em chèo một chiếc xuống nan
Vòng quanh cồn Hến lên Thương Bạc
Thuyền về xuôi nước chạy như băng.

NGHỆ THUẬT KHÁCH QUAN
Những tâm hồn thác loạn
Vẽ ra tranh lập thể
Soạn tình ca bốc lửa
Và nhạc Rock and Roll
Những tâm hồn bệnh hoạn
Nhìn trăng lúc lên cơn
Tả trăng thành bê bối
Thật hỗn độn càn khôn
Nghệ thuật hết khách quan
Khi nhìn bằng tâm bệnh
Như lúc mình chóng mặt
Thấy đất trời xoay quanh.

DẠO VƯỜN
Sáng ra dạo vườn hoa
Nằm trên giường bốn bánh
Xin chào em sen trắng
Xin chào chị sen hồng
Này đây hoa đồng tiền
Và kia là hoa khế
Hoa bằng lăng tím nhạt
Khoe tươi dưới trời hồng
Lại có những bác tùng
Xanh mượt mà khoẻ mạnh
Những giò lan bên cạnh
Nở xinh ơi là xinh
Những bác đá thật to
Xếp thành hòn non bộ
Trông bác hơi rầu rĩ
Phải chăng bác nhớ rừng
Xưa bác ở dưới suối
Trong rừng xa Lâm Đồng
Gặp mùa hạn hán tới
Suối cạn bác long đong
Người ta chở bác đi
Trên những xe cần cẩu
Rao bán khắp phố phường
Đến chùa bác an trú
Sớm tối nghe kinh kệ
Chắc bác cũng an lòng
Tuy xa rừng xa suối
Bác sống đời thong dong

SEN BÁCH DIỆP
Hai đóa sen xinh lúc rạng đông
Đường xa thêm bế tắc giao thông
Đến nơi hoa rã cánh tàn úa
Vẫn tỏa ngát hương lòng chứng lòng
(Tặng Nguyên Thường cho sen bách diệp 19.04.2003)

LAN THỦY TIÊN
Mấy nhánh phong lan quá đẹp xinh
Nhị vàng cánh trắng rất mong manh
Rung rinh dưới nắng mai dìu dịu
Trông tợ những giò hoa thủy tiên
(Tặng Nguyên Thường)

HỌA VẦN “ĐÂY THÔN VỸ DẠ”
(Tặng cháu Ti)
Tôi không ưa về chơi thôn Vỹ
Vì giá nhà lên, giá đất lên
Bờ lau đã biến thành hàng quán
Cũng chẳng còn chi ruộng với điền
Người cũ về thăm từ chốn xa
Vườn xưa dơ quá nhìn không ra
Nơi nơi nhà mọc lên như nấm
Cảnh đó tình đây hết đậm đà
Mộng tưởng tàn phai theo khói mây
Còn đây tâm đạo chẳng lung lay
Mai sau dù có bao giờ nữa
Vẫn một tấm lòng son sắt nay

MƯỜI THƯƠNG
Một thương hoa lá hữu tình
Hai thương mây trắng bồng bềnh trên cao
Ba thương gió thổi rì rào
Bên hòn non bộ lao xao tre ngà
Bốn thương đá cuội thật thà
Năm thương hoa khế la đà xinh xinh
Sáu thương cành trúc rung rinh
Một con bướm lượn quanh vành mẫu đơn
Bảy thương chùm hoa phong lan
Tám thương hoa tím bằng lăng tuyệt vời
Chín thương vườn cảnh trăng soi
Mười thương chim hót dưới trời bình minh.

TRƯA NGHE HEO KÊU
Giữa trưa vẳng tiếng heo kêu to
“Cứu với, trời ơi, ai cứu cho”
Tỉnh giấc nghe lòng như quặn thắt
Chẳng làm chi được cứ buồn xo

ĐÊM NGHE BÒ KÊU
Nửa đêm nghe tiếng ồm ồm
Bò bên hàng xóm đói lòng kêu vang
Gặp mùa đại hạn khô khan
Lấy đâu ra cỏ cho đàn bò tơ

XE CHỞ TRÂU BÒ
Đường trường gặp chiếc cam nhông to
Nhung nhúc bên trong những chú bò
Đôi mắt u buồn nhìn dáo dác
Ý chừng cũng biết sắp vào lò
Các em như bồ tát
Xả thân để giúp đời
Nào kéo xe chở nặng
Và cung cấp sữa tươi
Khi hơi tàn sức kiệt
Người đem giết em tôi
Cách trả ơn thật tuyệt
Nhưng đấy là loài người

EM BÉ QUÊ
Trên con đường đất đỏ
Em bé dắt bò đi
Kiếm nơi bò gặm cỏ
Em ngồi học bài thi
Buổi chiều đi học về
Còn thổi cơm giúp mẹ
Cắt cỏ và chở phân
Thực trăm bề vất vả

NÀNG VE CHAI
Cô nàng bán ve chai
Má hồng đôi mắt sáng
Môi miệng cười xinh xắn
Đến chùa mua ve chai
Cô thu góp thật nhanh
Tất cả đồ phế thải
Gom vào hai bao tải
Chở trên chiếc xe còm
“Cháu quê tận Hải Phòng
Hăm bốn tuổi, một con
Chồng đi làm thợ phụ
Ngày kiếm hai chục đồng
Không bệnh tạm đủ sống
Đau ốm thời long đong
Xa mẹ cha làng nước
Đâu nhờ được bà con”

RƯỢU
Bà hàng xóm vào chùa
Ôm mặt khóc bù loa
Ông chồng đang say rượu
Cầm dao rượt vợ nhà
“Khi tỉnh ổng rất hiền
Lúc say lại nổi điên
Đòi giết tôi bằng được
Tôi phải trốn đi liền
Từ ngày bán được đất
Ngày nào cũng nhậu say
Đánh tôi bầm mặt mày
Chắc là tôi chết mất”

XIN CẠO TÓC
Một bà khác vào chùa
Năn nỉ xin cạo tóc
Vì ốm đau liên tục
Nên bị chồng đuổi xua
Bà cứ nghĩ cạo tóc
Thì đời sẽ khá ra
“Bề trên” sẽ buông tha
Thật là quá đơn giản
Nhà bà có thờ Phật
Mới xây, đẹp nhất làng
Vì ông mới bán đất
Trưởng giả học làm sang
Thờ Phật như cái tật
Chẳng biết Phật là ai
Trong nhà bày bàn Phật
Ngoài để “Nhận heo quay”

TỊCH DƯƠNG
Khi ngày quá nắng gắt
Chiều xuống thật Niết Bàn
Khi đời quá khốn khổ
Chết là hết gian nan
Sống chết là khổ vui
Chỉ trong vòng đối đãi
Niết bàn mà Phật dạy
Vượt ngoài khổ với vui
Không sinh cũng không diệt
Không vui cũng chẳng buồn
Vì hết sống thì chết
Hết vui lại đến buồn

PHÉP LẠ
Cùng chung sống dưới mái trời xanh
Đầy dẫy quanh ta những phép lành
Chiều xuống toần hồ sen khép cánh
Sáng ra lại nở trước bình minh.

VÔ NIỆM
Chẳng cứ công phu chẳng tọa thiền
Nghe thanh thấy sắc vẫn thường nhiên
Mảy trần không dính hư không nọ
Mây tạnh trăng soi sáng một miền

NẰM XE ĐI ĐƯỜNG DÀI
Dọc đường không thấy cảnh lăng xăng
Chằng chịt dọc ngang dây điện giăng
Cổ thụ từ bi vươn bóng mát
Trên cao mây trắng duỗi hàng hàng

VẪN Ở NHÀ
Vẫn tại nơi đây vẫn ở nhà
Lòng trong lắng thấy Phật Di Đà
Hào quang tỏa rạng từ tim ấy
Tịnh độ là đây chẳng phải xa

PHẬT DI ĐÀ
Ngài luôn theo dõi bước chân ta
Hộ niệm từng giây dứt tưởng tà
Mỗi lúc uống ăn cùng ngủ nghỉ
Đừng quên chánh niệm Phật Di Đà

VÃNG SANH
Vãng đi cho hết những tham sân
Cực lạc quang minh chiếu tại tâm
Khỏi nhọc công tìm đâu cõi tịnh
Tìm thì khó gặp, vướng mê lầm

TU ĐI
Tu đi, chẳng phải cứ đi tu
Là hết oan khiêng nghiệp chướng đừ
Bát nạn tam đồ đâu chẳng có
Chỉ cần chánh niệm thấy như như
Như như bất động giữa trần ai
Tự tính Di Đà chẳng đổi thay
Vô lượng quang minh vô lượng thọ
Tịnh tâm vô niệm thấy liên đài

KHÔNG ĐỀ
Bước chân như thể lá rừng
Nam châu Bắc quận đã từng dạo chơi
Đâu đâu cũng một đổi đời
Kẻ ham danh lợi, người thời thiếu ăn
Khi nghèo chỉ nghĩ áo cơm
Suốt ngày một mực lo toan kiếm tiền
Được rồi lại lắm đảo điên
Ăn chơi cờ bạc chuốt thêm tai nàn

BÚN VÀ THƠ
Con làm bún Huế, Thầy làm thơ
Bún của con làm rất đậm đà
Phật tử đến chùa khen đặc sản
Nhưng thơ Thầy viết khó ai ưa.
Vì mục đích Thầy không phải thơ
Khi nhằm “tải đạo” chẳng thành thơ
Dấu thiên nga nhảy trên nền tuyết
Bức học vô tình nhưng thật thơ

MƯA
Từng giọt mưa rơi giọt giọt thơ
Từ đâu trút xuống thực bao la
Qua mưa thấy nhiệm mầu hoàn vũ
Tín hiệu từ nơi cõi “mật đa”

TRĂNG
Trăng cài lên ngọn trúc lưa thưa
Trăng điểm tóc ai óng mượt mà
Một thoáng mây qua trăng khuất bóng
Còn trơ cành lá vẫn đong đưa

HOA QUỲNH
Kiếp trước em người ở cõi tiên
Thanh tu tĩnh mịch chốn thiền thiên
Khởi tâm bi mẫn nơi trần thế
Em hiện hình độ khách hữu duyên
Trăm hoa đều đợi ánh dương lên
Hồng tía đỏ vàng đua sắc chen
Riêng mỗi mình em tinh khiết thế
Nửa đêm xòe những cánh trinh nguyên
Văng vẳng nơi nao khúc nhạc thiền
Tiễn em về chốn cũ sơ nguyên
“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng”
Nhưng vẫn dư hương suốt cõi miền

CÓ KHÔNG MÊ GIÁC
Có cũng không mà không cũng không
Giác mê mê diệt: giác không không
Thấy danh thực hữu: mê dường có
Xem lợi hư vô: giác đã lồng
Vướng có khổ đau càng thống thiết
Chấp không tội nghiệp cũng mênh mông
Ngộ tâm ấy Phật ly trần cấu
Rừng tía không xa chốn bụi hồng
(Họa thơ Bs. Đỗ Hồng Ngọc)
Bài viết: Viên Linh: Ni Sư Trí Hải và Ngọa Bệnh Ca