Lịch sử chùa Gìn - Yên Phúc tự

Chùa Gìn còn có tên gọi là chùa Yên Phúc, thuộc làng Yên Phúc xã Yên Hồ huyện Đức Thọ Hà Tĩnh. Không rõ làng Yên Phúc mang tên chùa hay ngược lại!? Tên chùa Gìn có từ lâu đời, cùng với Đò Dè, chắc muốn khuyên mọi người (Gìn giữ, Dè chừng) vì ở gần Bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa Trần Trùng Quang (1409-1413) từng đóng tại nơi đây.


Bà con nhân dân dựng cái am nhỏ để thờ Phật, dâng hương.
 
Chùa Gìn - Yên Phúc tự hiện nay nằm trên vùng đất thuộc thôn Trung Văn Minh xã Yên huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Theo nhà nghiên cứu lịch sử Lê Trần Sửu (trong bài Làng cổ Yên Hồ), thì Yên Hồ là một làng được ra đời sớm của Châu Hoan xưa. Yên Hồ là "đất địa linh sinh nhân kiệt", nơi sinh ra nhiều nhân tài nổi tiếng trạng nguyên Đào Tiêu người khai khoa cho đất nam Châu Hoan (1275) sau 200 năm vắng bóng người đậu đạt đại khoa kể từ khoa thi 1075 do nhà Lý mở. Đây là quê của thái học sinh Nguyễn Biểu, người phò vua Trùng Quang đế, đã hy sinh oanh liệt vì nghĩa lớn,... Các nhà khoa học như GS Hoàng Xuân Hãn, GS Hoàng Xuân Nhị, GS TS NGND Võ Quý, GSTS Trần Đức Thiệp và hơn 50 GS,TS khác đã nối tiếp được truyền thống hiếu học của của quê hương. Theo dân gian kể lại thì chùa Gìn đã có từ lâu đời, trên 600 năm. Chùa Gìn nằm trong hoàng cung của căn cứ kháng chiến chống giặc Minh của nhà Hậu Trần, Trùng Quang đế ( vua cuối cùng của nhà Hậu Trần) đã lên ngôi hoàng đế tại nơi đây cùng các công thần, tướng lĩnh Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung, Nguyễn Súy, Nguyễn Biểu, tổ chức đánh giặc Minh suốt 5 năm trời từ 1409 - 1413. Tất cả đều tuẫn tiết vì nghĩa lớn.
 

Chùa Gìn là nơi để hoàng thân quốc thích, sáng tối cầu kinh, niệm phật. Các di tích như lũy đất, nền Hát, làng Dài, các tên gọi như Bến Xưởng, mả công chúa, Cồn Nhoi, Dăm Sát, Bến Xưởng, Đồng Bè,... gợi cho chúng ta hình dung ra phòng tuyến chống giặc Minh, hành cung Bình Hồ một thời trên đất Yên Hồ. Bài vè Về Yên Hồ có đoạn viết: "…Nhớ tích xưa chuyện cũ Vua đóng trại Trùng Quang đế cũng cờ xí hai hàng, cũng tung hô vạn cũng nói lời vạn tuế..." Trong sách Chùa cổ Hà Tĩnh, cố tác giả Thái Kim Đỉnh cho biết vị sư cuối cùng trụ trì tại chùa là tú tài Nguyễn Dưỡng Giá. Ông quê ở làng Văn Lâm, xã Đức Lâm nay là xã Lâm Trung Thủy. Ông từng tham gia phong trào Cần vương, theo cuộc khởi nghĩa của lãnh tụ Phan Đình Phùng. Khi vua Hàm Nghi xa giá ra sơn phòng Quảng Trị, ông được giữ chức Thương biện quân vụ, Ngự tiền văn hộ giá. Lúc vua Hàm Nghi bị bắt, ông bỏ về trụ trì tại chùa Gìn. Năm 1890 cụ Phan Bội Châu đã cho người tìm về chùa để mời ông ra tham gia phong trào Đông Du chống Pháp nhưng ông từ chối. Họ đã dán bài thơ Thất ngôn bát cú Đường luật của cụ Phan trước cổng chùa, tên bài thơ là nhắn người cao sỹ, như sau:

Dặm kí dời chân quá cửa thiền
Hỏi đây ai đã nỗi hương yên,
Mảng vui kinh kệ bên tam bảo
Quên giận Hồng Lam dưới cửu tuyền,
Đành vậy một hồ riêng cảnh giới
Sao bằng bốn bể thỏa cung tên.
Nhắn người cao sỹ cho ta với
Sạch nợ trần hoàn ấy mới yên.

 

Đại đức Thích Nghiêm Thuận - trưởng ban Trị sự PG huyện cùng lãnh đạo, nhân dân xã Yên Hồ

 
Sau này sư ông viên tịch và an táng tại chùa Gìn. Rất tiếc là khu mộ Am nơi chôn cất, để xá lỵ, hài cốt rất nhiều các sư trụ trì đã bị san bằng. Có gia đình phát hiện mồ mả đã di dời ra nghĩa địa Làng Nghe. Mộ quan Thái giám Lân Duệ hầu (thành hoàng làng Trụ Liên) mai táng trong khu mộ Am đã được con cháu họ Nguyễn đưa ra Nghĩa trang song táng cùng tiến sỹ Nguyễn Phong. Chùa Gìn vì thế rất linh thiêng, nhiều đồ vật dân lấy về nhà, đất đai bị xâm lấn, giếng chùa để hoang phế ô uế,... Rất nhiều chuyện lì kỳ linh thiêng đã xảy ra. Nhiều gia đình gặp cảnh tang thương như đột tử, tai nạn, nghiện ngập cờ bạc, ma túy rượu chè, nghịch cảnh,...xảy ra.

Các cụ cao niên nơi đây còn kể lại ngôi chùa xưa được làm bằng 3 gian gỗ lim, lợp bằng tranh, thưng bằng ván gỗ. Chùa còn có nhà tăng, 2 hành lang. Trong chùa có rất nhiều tượng Phật lớn nhỏ. Trong sân chùa có cây thị cổ thụ. Phía ngoài có mái tam quan. Phía trước có một cái giếng cổ để bách tính dùng. Sau hợp tự, chùa bị phá dỡ, tượng bị di dời đi khắp nơi, nhiều tượng, đồ tế khí bị mất cắp hoặc hư hỏng. Hiện chùa có diện tích trên 5000 m3, còn nền chùa, bình hương và con rùa bằng đá thanh, mấy viên đá ong. Riêng giếng cổ còn có 2 cột lim làm cầu để xuống múc nước,... Năm 2015 giếng cổ chùa Gìn đã được nhân dân góp tiền, công sức tu sửa. Trước đó bà con có xây một miếu thờ, miếu nằm dưới cây sanh tươi tốt. Ngôi chùa cổ này cơ sở vật chất còn rất khiêm tốn, rất nhiều việc phải làm. Nguyện vọng thiết tha của các Phật tử và nhân dân cùng lãnh đạo địa phương là mong được xây dựng lại ngôi chùa, đáp ứng khát vọng, nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, tu học Phật pháp cho các Phật tử và nhân dân trong vùng.

Đặc biệt ngôi chùa này gắn liền với di tích cuộc khởi nghĩa của Trùng Quang đế và hành cung của nhà Hậu Trần một thời đã anh dũng chống quân Minh xâm lược. Nhân dân rất muốn bên cạnh ngôi chùa có một điện thờ vua Trần Trùng Quang, vị vua Trần duy nhất đã tử tiết vì nghĩa lớn. Bên cạnh các trung thần nổi tiếng như Nguyễn Biểu, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị và Nguyễn Súy mà lịch sử, nhân dân sẻ muôn đời ghi tạc. 



Lễ động thổ xây dựng giảng đường 14/7/Mão (2023)



Giếng cổ chùa Gìn


 
Tác gải bài viết: Trần Quốc Thường, Hội viên hội DSVH và hội VHNT Hà Tĩnh.
là Phật tử cũng như trưởng Ban vận động xây dựng chùa.

Tài liệu tham khảo:
- Đại Việt sử kí của Ngô Sỹ Liên
- Việt sử lược của Trần Trọng Kim
- Chùa cổ Hà Tĩnh của Thái Kim Đỉnh
- Làng cổ Yên Hồ của Lê Trần Sửu.
- Nghĩa sỹ truyện của Hoàng Trừng.
- Tài liệu của GS Hoàng Xuân Hãn
- Lịch sử Hà Tĩnh tập 1.
- Dư địa chí huyện Đức Thọ.