Thủ đô kháng chiến Bình Hồ thời Hậu (1409-1413)

Kinh đô kháng chiến Bình Hồ sử sách ít ghi lại song cái chết bi hùng của vua tôi Trần Trùng Quang vị vua cuối cùng của nhà Hậu Trần sẽ sống mãi trong lòng nhân dân ta. Việc xây một điện thờ vua Trần Trùng Quang và các công thần, tướng lĩnh tại hoàng cung Bình Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh là nên làm.


Đền thờ Nghĩa sỹ đại Vương Nguyễn Biểu, ảnh: Quốc Thường
 
Khi còn sống cụ Thái Kim Đỉnh rất lưu tâm đến việc nghiên cứu về đền Nguyễn Biểu, chùa Gìn,... nhất là 9 câu đối ở đền, cụ có gửi cho tôi mấy bản viết tay bằng chữ Hán, và đính chính mấy chữ ở 2 cặp câu đối ở thượng điện và hạ điện. Cụ nhắc đến đất học Yên Hồ, đến phòng tuyến Bình Hồ chống giặc Minh của Trần Trùng Quang với một tấm lòng trân trọng. Trong đợt Hội thảo về Nguyễn Du & Puskin Tương đồng và Khác biệt ở thành phố Hà Tĩnh ngày 27.7.2019 vừa qua, tại Hội thảo, rất may tôi được gặp cụ Hồ Hữu Phước cụ gợi ý với tôi: Thường quê ở Yên Hồ nên tìm hiểu viết về Căn cứ kháng chiến của nhà Hậu Trần trên đất Bình Hồ.

Nghe lời cụ, tôi thu thập tư liệu, đi thực tế đối chiếu và thấy nhiều điều cần suy ngẫm, nhất là về mấy chữ: Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa thời ấy.

Về Thiên thời

Trần Quý Khoáng lên ngôi vua ở đất Bình Hồ, Chi La ngày 20 tháng 4 năm 1409 đến ngày 31 tháng 3 năm 1413 (vừa đúng 3 năm, 345 ngày). Với một triều đình đủ hai ban văn võ. Làm gì cũng phải có thiên thời, vận hạn của quốc gia cũng vậy. Thời Tam quốc bên Tàu, ai cũng khen Khổng Minh tài giỏi hết lời mà quên đi cái sai lầm lớn nhất trong đời là Khổng Minh chìa vai ra phò Lưu Bị, đỡ cỗ xe nhà Hán đang rệu rã, sắp sụp đổ. Thời hậu Trần, các tướng Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Súy, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Biểu,…đều là những văn thần, võ tướng danh tiếng cả. Sách Toàn thư chép: “Tháng 12, bọn Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung bị Trương Phụ nhà Minh bắt được. Cảnh Dị mắng ngay vào mặt Phụ rằng: “Ta muốn giết mày, thành ra lại bị mày bắt được”. Chửi Phụ luôn mồm, Phụ giận lắm, sai giết mổ lấy gan ăn”.

Sách Cương mục chép: Tháng Tư, năm Giáp Ngọ (1414), “Trương Phụ đã bắt được Đế Quý Khoáng và Dung, Súy bèn dẫn quân về thành Đông Quan, sai người đưa vua tôi Quý Khoáng sang Yên Kinh. Khi đi đến giữa đường, Đế Quý Khoáng nhảy xuống sông chết; Dung nhảy theo. Duy còn Súy bị người lính canh bắt giữ lại, Súy bèn ngày ngày cùng người lính canh đánh cờ, dần dà làm thân, sau lấy bàn cờ đánh chết người lính canh, rồi cũng nhảy xuống sông chết”.

Mặc dù đánh giá anh hùng không phải nơi bại thành, nhưng phải nói rằng các ông cũng chưa thấy được lúc đó hoàng hôn đã bao phủ lên triều đại nhà Hậu Trần. Họ chưa thấy được vừng dương đang hé sáng từ núi rừng Lam Sơn như Ức Trai Nguyễn Trãi!? Để rồi phải "Anh hùng ẩm hận". Đặng Dung đã có nỗi niềm gửi gắm qua bài thơ Cảm Hoài nổi tiếng:

Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca,
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chúa hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà,
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.


Dịch nghĩa:

Sự đời dằng dặc mà ta già rồi, biết làm sao đây!
Trời đất mênh mông thu vào trong cuộc rượu hát nghêu ngao.
Khi gặp thời thì anh hàng thịt, người câu cá cũng dễ lập công,
Nếu thời vận đã qua thì anh hùng cũng chỉ uống hận.
Muốn giúp chúa, ôm hoài bão nâng trục trái đất mà xoay chuyển lại,
Mong rửa sạch giáp binh nhưng không có lối để kéo Ngân Hà xuống.
Thù nước chưa báo được, mà đầu thì đã bạc rồi,
Bao lần mang kiếm Long Tuyền ra mài dưới bóng trăng.


Sử gia Ngô Sĩ Liên trong ĐVSKTT - trang 322 có viết về vua Trần Trùng Quang: Vua lấy quân một lữ để mưu khôi phục đất nước trong lúc loạn lạc lưu ly, ví như dùng một cây gỗ để chống giữ ngôi nhà lớn đã đổ, chả lẽ không biết rằng không thể cứu vãn được nữa hay sao? nhưng vì trời không giúp nhà Trần nữa, nuốt hận mà chết, thương thay! “ Trời không giúp” tức là không có “ Thiên thời” vậy.

Về Địa lợi – Nhân hòa

Việc chọn đất Bình Hồ làm căn cứ là rất phù hợp lúc đó bởi 2 yếu tố này. Đất đai vùng Bình Hồ do phù sa hai con sông La và Minh bồi đắp nên cây lúa, cây mía, lạc đều cho thu hoạch cao. Cùng với nghề nông, Yên Hồ xưa còn có nghề rèn và nghề dệt vải. Cùng với điền trang thái ấp của con cháu nhà Trần ở vùng này hồi đó là nơi cung ứng nhân lực, vũ khí, quân trang, lương thảo cho cuộc kháng chiến. Thời Trần vùng Bình Lãng - Bình Hồ là đất khoa bảng rực rỡ bậc nhất nam Châu Hoan. Hà Tĩnh có bốn trạng nguyên thì nơi đây có đủ: Trạng nguyên Đào Tiêu, Đoàn Xuân Lôi, Sử Huy Nhan, Sử Đức Huy. Di tích Dăm Bút (dài 80m rộng ở giữa 6m hình bút lông) - Dăm Nghiên ( Hình tròn đường kính 20m, lòng chảo, khi mưa xuống như nghiên mực) nằm phía trước làng Tiến Thọ sau những năm 80 thế kỉ trước mới bị dân san lấp làm ruộng. Dăm Ngòi Bút - Dăm Nghiên, Dăm Đục - Dăm Ác là biểu tượng của sự hiếu học và sống có nghĩa tình của người dân Yên Hồ. Ngày 17-3 Kỉ Sửu (DL. 1409) Trần Quý Khoáng lên ngôi hoàng đế ở Bình Hồ - Chi La, nay thuộc xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Tân hoàng đế đặt niên hiệu Trùng Quang (重光), phong Nguyễn Suý làm Thái phó, Nguyễn Cảnh Dị làm Thái bảo, Đặng Dung làm Đồng bình chương sự, Nguyễn Chương làm Tư mã, Nguyễn Súy kiêm đô đốc Thủy quân, Nguyễn Biểu làm Điện tiền thị ngự sử,…. Đây là những người có tài, có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc hết lòng tôn phò Trùng Quang đế.

Họ đã tuẫn tiết cùng Trùng Quang đế. Một triều đình được ra đời trong kháng chiến khốc liệt với khá đầy đủ các chức danh và nghi thức cung đình. Bài vè Về Yên Hồ có ghi lại:

Nhớ tích xưa, chuyện cũ, Vua dựng trại Trùng Quang cũng cờ xí hai hàng, cũng tung hô vạn tuế. Cũng nói lời vạn tuế... Rừng nỏ thiếu chi cây, Chim quyến bạn, quyến bầy,…..”. Từ Yên Hồ nhìn sang phía bắc là núi Thành, nơi đại bản doanh của Trương Phụ đóng, cách Yên Hồ chỉ khoảng 3-4 km đường chim bay. Lại được ngăn cách bời ba con sông như ba phòng tuyến thiên nhiên đó là: Sông Lam, sông La và phụ lưu sông La là Chi La (sông Đò Hào). Đoạn ở xã Trung Lương có sông Minh chảy rẽ về Đò Trai làm cho căn cứ Bình Hồ có 3 mặt là sông bảo vệ. Bên kia sông Minh là dãy Hồng Lĩnh như một bức tường thành. Địa thế hình sông, thế núi ở đây công-thủ rất thuận lợi, khi cần có thể theo đường thủy, ra sông Lam rút về biển, theo đường bộ lên Đỗ Gia ( Hương Sơn) sang Ai Lao (nước Lào) cũng dễ. Từ trên cao nhìn xuống 3 mặt sông thiên nhiên bao bọc, trong đó có 2 làng Nội Diên và Yên Phúc nằm phía trong và một xóm Đồng Dâu phía ngoài bờ bắc sông Chi La trông như hình chữ TÂM.

Phía trong, bờ nam sông Chi La từ xóm Quy Vượng đến xóm Văn Minh là một dãy lũy. Nghe các cụ kể xưa lũy cao 4m, mặt lũy rộng 2-3m, chân lũy 7-8m ken tre dày. Những năm 70 của thế kỉ trước chúng tôi vẫn còn thấy khá rõ dãy lũy cao tầm 2m chân lũy khoảng 5m, cây cối mọc um tùm. Còn phía Nam bên kia quốc lộ 8A, là làng Quảng Chiêm, Đức Thịnh nay là xã Thanh Thịnh Bình.

Vùng dăm Làng Nghe, nghĩa quân bố trí Cồn Coi ( dân gọi là cồn Nhoi ). Đây là ụ đất đắp cao để làm đài quan sát mạn phía nam. Đoạn sông Minh gần Đò Trai người ta đào 1,5 km sông đào (nay bị bồi lấp dân gọi là trọt Đồng Trấy) vừa làm phòng tuyến ngăn cách phía nam để bảo vệ hoàng cung, vừa để cho thủy quân của Nguyễn Súy đưa thuyền bè ra vào trú ở Đồng Bè. Chính cái dăm Đồng Bè này là nơi chôn cất Nguyễn Biểu khi ông bị Trương Phụ sát hại, hiện phần mộ vẫn còn ở đó. Hoàng cung thì đóng ở xóm Trung Thượng đình, nơi có chùa Dìn. Hồi đó có một nàng công chúa con vua Trùng Quang xin xuống tóc đi tu. Công chúa tên là Mỹ Ngọc vào tận đất Văn Lâm ( nay là xã Lâm Trung Thủy) để dựng một mái chùa bằng tranh mang tên Hoa Lâm, ngày đêm cầu kinh niệm Phật mong cho cuộc kháng chiến của cha thắng lợi. Một nàng công chúa bị ốm mất mai táng trước chùa Gìn, hiện vẫn có dăm Mả Chúa. Các tướng, các quan cùng gia đình đóng ở Làng Dài nơi có những dãy nhà dài ngăn từng gian để sinh hoạt.

Làng Dài gần nền Hát, hiện nằm ở vùng trụ sở HTX Yên Diên, thuộc thôn Trung Hậu. Các địa danh khác cũng cho ta biết nhiều điều. Bến Xưởng ở làng Hoành giáp xóm Quy Vượng là xưởng rèn vũ khí. Dân ở đây trai làm nghề rèn, gái làm nông và dệt vải, hồi đó thợ Trung Lương cũng được đưa về đây rèn vũ khí. Dăm Sát là nơi nhà vua xử tử kẻ có tội. Nền Hát hiện nằm trong khuôn viên trường THCS Nguyễn Biểu đây là nơi quân lính dùng để vui chơi, ca hát khi lễ tiết. Chùa Gìn là nơi để hoàng thân quốc thích sớm tối cầu kinh niệm Phật. Chùa Gìn xưa hiện vẫn còn có giếng cổ, lư hương đá, con rùa đá, tảng đá ong,.. nằm trên khu đất cao bằng phẳng ở thôn Trung Văn Minh xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Kinh đô kháng chiến Bình hồ sử sách ít ghi lại song cái chết bi hùng của vua tôi Trần Trùng Quang vị vua cuối cùng của nhà Hậu Trần sẽ sống mãi trong lòng nhân dân ta. Việc xây một điện thờ vua Trần Trùng Quang và các công thần, tướng lĩnh tại hoàng cung Bình Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh là nên làm. Thể theo nguyện vọng của bà con, thầy Quốc Thường và đại đức Thích Nghiêm Thuận (trưởng ban Trị sự PG huyện Đức Thọ) đã cùng mọi người phát tâm, góp tịnh tài, công đức xây dựng được nhà Giảng đường. Sau 4 tháng kể từ ngày động thổ (28/8) nay cơ bản đã hoàn thành. Ngẫm câu Kiều: "Trăm hay muôn sự tại trời" của đại thi hào Nguyễn Du vẫn còn giá trị, làm cho ta luôn luôn suy ngẫm.

* Trung Lương có tục lễ đua thuyền mồng 5 tết hàng năm trên sông Minh cũng có nguồn gốc từ duyệt thủy quân của của nhà Hậu Trần thời gian này.


Thầy Trần Quốc Thường cùng đại đức Thích NghThuận
 
TG. Trần Quốc Thường ( Quê Yên Hồ, Đức Thọ Hà Tĩnh - Hội viên hội DSVH và hội VHNT Hà Tĩnh.)